I. PHẦN ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Lý do chọn đề tài
Xenophon cho rằng “Tiếng ngọt ngào nhất trong tất cả các âm thanh là tiếng khen” điều này hoàn toàn đúng trong việc giáo dục con trẻ mà cha mẹ, thầy cô lãnh nhận sứ vụ thiêng liêng đó. Cách ứng xử của họ qua lời ăn, tiếng nói sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của con trẻ.
Lời nói tích cực là những ngôn từ giúp “người ấm hơi lụa” giúp vực dậy tiềm năng, chữa lành những vết thương nơi một con người, trong khi đó lời nói tiêu cực có thể hại người như gươm đao.
Trẻ em là lứa tuổi non nớt, dễ bị tổn thương bởi những lời nói tiêu cực, nó gây ra biết bao hậu quả nghiêm trọng và những hệ luỵ không lường tới được: từ những đứa trẻ ngây thơ, nhanh nhẹn chỉ bởi những ngôn từ tiêu cực làm chúng tự thu mình vào, không tự tin vào bản thân. Tình trạng kéo dài đứa trẻ đó tự biệt lập, tạo khoảng cách với mọi người xung quanh và nặng hơn là trầm cảm, tự kỉ tự phát,… Đau lòng hơn nhiều đứa trẻ còn cho mình là đồ vô dụng, không được bố mẹ yêu thương dần hình thành lên lối sống buông thả, đánh mất bản thân,…
Vì vậy tôi đã lựa chọn giải pháp “Một số biện pháp phòng tránh bạo lực ngôn từ cho trẻ mầm non” để nghiên cứu và thực hiện.
2. Đối tượng nghiên cứu
- Trẻ trong độ tuổi mẫu giáo ở trường mầm non Tân Viên
3. Mục tiêu của biện pháp
- Giúp hạn chế tình trạng bạo lực ngôn từ cho trẻ mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non;
- Nâng cao trách nhiệm của nhà trường trong công tác chỉ đạo, điều hành phối hợp hoạt động tuyên truyền phòng chống bạo lực ngôn từ;
- Giúp giáo viên thực hiện tốt công tác phòng chống bạo lực ngôn từ;
- Giúp phụ huynh nâng cao hiểu biết về sức mạnh của ngôn từ khi giao tiếp với trẻ;
II. NỘI DUNG
1. Thực trạng
1.1 Thuận lợi
- Được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường trong công tác phòng tránh bạo lực ngôn từ cho trẻ trong trường mầm non;
- Bản thân là giáo viên nhiệt tình, ham học hỏi, năng động tạo mọi cơ hội cho trẻ được hoạt động trong môi trường hạnh phúc, không bạo lực;
- Trẻ mạnh dạn, tự tin, thông minh, thích khám phá, học hỏi điều mới lạ
- Một số phụ huynh đã quan tâm phối kết hợp với cô giáo trong việc phòng tránh bạo lực ngôn từ ở mọi lúc mọi nơi
* Khó khăn:
- Trong lớp còn một số trẻ rụt rè, nhút nhát, thiếu tự tin và không giám thể hiện bản thân mình;
- Một số phụ huynh chưa phối kết hợp nhiều với nhà trường trong việc phòng tránh bạo lực ngôn từ cho trẻ;
- Giáo viên đôi khi còn sử dụng một vài ngôn từ chưa chuẩn mực để giáo dục trẻ.
2. Cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn của biện pháp
2.1. Cơ sở lí luận
Với trẻ mầm non phụ huynh có quan điểm rằng “Trẻ nhỏ không biết gì – lớn lên rồi uốn nắn”. Tuy nhiên thực tế, trẻ nhỏ có khả năng nhớ rất lâu những điều người lớn nói và làm đúng theo những gì người lớn dạy.
Làm tốt công tác phòng tránh bạo lực ngôn từ cho trẻ mầm non giúp trẻ phát triển toàn diện, hình thành nhân cách trẻ. Để trẻ trở thành những công dân tương lai tốt đẹp và giàu tình yêu thương.
2.2. Cơ sở thực tiễn
Trẻ mầm non là những đối tượng dễ bị bạo hành bởi bạo lực ngôn từ nhất. Ở lứa tuổi này hậu quả của bạo lực ngôn từ để lại là vô cùng nghiêm trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của tâm sinh lí đứa trẻ. Ảnh hưởng xấu đến việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ mầm non.
Như vậy, bạo lực ngôn từ đang diễn ra làm chết đi sự hồn nhiên, nhu cầu thể hiện bản thân của biết bao đứa trẻ, tạo môi trường sống thụ động, dựa dẫm vào người khác. Đây là vấn nạn đáng báo động cho xã hội hiện đại ngày nay và trong cách giáo dục trẻ ở thời đại mới.
3. Áp dụng biện pháp
3.1. Mô tả biện pháp
- Từ những cơ sở lý luận và thực tiễn xã hội về vấn nạn bạo lực ngôn từ tôi đã nghiên cứu và đưa ra một số giải pháp đã được áp dụng và đạt hiệu quả cao ở trường mầm non Tân Viên nơi tôi đang công tác:
* Giải pháp 1: Xây dựng môi trường lớp học an toàn, hạnh phúc cho trẻ
Xây dựng môi trường hạnh phúc giúp cho trẻ chơi bằng học, học bằng chơi. Từ đó trẻ sẽ hứng thú hơn vào các hoạt động học. Tôi luôn tạo cho trẻ hứng thú khi đến lớp. Bản thân tôi có suy nghĩ để trẻ được hạnh phúc khi đến lớp. Người đầu tiên là giáo viên, vì giáo viên có hạnh phúc khi truyền đạt thông điệp niềm hạnh phúc đến các con thì các con mới cảm thấy hạnh phúc
Tôi luôn phối hợp cùng giáo viên trên lớp xây dựng môi trường hạnh phúc theo từng chủ đề. Tôi luôn tạo mọi cách cho trẻ được tìm tòi – khám phá, phát hiện nhiều điều mới lạ, hấp dẫn trong cuộc sống, trẻ được tự lựa chọn hoạt động cá nhân hoặc theo nhóm một cách tích cực. Tôi luôn trân trọng mọi kết quả mà trẻ tạo ra.
Đảm bảo an toàn về thể chất, tâm lý cho trẻ, nơi đó trẻ được bảo vệ, yêu thương, tôn trọng trong tập thể cũng như mỗi cá nhân và được xây dựng trong suốt quá trình thực hiện chương trình chăm sóc giáo dục trẻ. Trẻ được trải nghiệm, tham gia các hoạt động vui chơi cùng các bạn, từ đó giúp trẻ mạnh dạn, tự tin, năng động, cởi mở, chủ động hơn trong mọi hoạt động
Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, đa dạng, phong phú trong trường mầm non góp phần hình thành và nâng cao mối quan hệ thân thiết, tự tin giữa giáo viên vơi trẻ và giữa trẻ với nhau. Hơn thế nữa nó được ví như người mẹ thứ 2 trong công tác tổ chức, hướng dẫn nhằm thoả mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ, qua đó hình thành và phát triển toàn diện nhân cách trẻ.

Xây dựng môi trường giáo dục trong lớp an toàn lành mạnh
Trong quá trình chơi, trẻ sẽ phối hợp chơi cùng nhau trên cơ sở đó tôi hình thành cho trẻ ngôn từ giao tiếp chuẩn mực để trẻ thực hành, trải nghiệm phát triển ngôn từ trong sáng, lành mạnh và giàu tình yêu thương cho trẻ.
Tôi luôn kích thích tính tích cực chủ động của trẻ bằng ngôn từ chuẩn mực giàu lòng yêu thương tha thiết từ việc lựa chọn góc chơi, đồ chơi cho đến việc tự quyết định và tìm cách giải quyết nhiệm vụ. Trẻ sẽ dần biết tìm cách tự chịu trách nhiệm với hành động của mình và biết đánh giá những thành công hay thất bại trong quá trình chơi.
* Giải pháp 2: Giáo viên tuyệt đối không sử dụng những lời nói tiêu cực đối với trẻ.
- Trong giáo dục những lời chỉ trích gay gắt, phỉ báng, doạ nạt không phải là thứ âm thanh êm dịu vậy nó không có lí do nào để tồn tại dù để nguỵ biện cho mục đích giúp trẻ trưởng thành về trí tuệ lẫn nhân cách.
- Tôi luôn quan niệm mỗi đứa trẻ sinh ra đều là một thiên tài, yếu tố cần để kích hoạt khả năng trở thành thiên tài là trẻ cần được nuôi dưỡng trong tình thương yêu, trong niềm tin. Hơn ai hết, chính thầy cô, bố mẹ là người sẽ mang đến cho các con môi trường sống tích cực này qua ngôn ngữ.
- Tôi luôn đặt cho bản thân mục tiêu giáo dục “không sử dụng ngôn từ tiêu cực với trẻ”. Trong giao tiếp hàng ngày, trong các hoạt động tôi luôn dẹp bỏ hết các ngôn từ gây tính sát thương đến học sinh, vì hơn bất kì điều gì ngôn từ tiêu cực chính là con dao cứa sâu vào tâm hồn của mỗi đứa trẻ.
- Những câu nói tưởng chừng như vô hại như: sao con lười biếng và dốt quá vậy, con có im đi không?… Đó là những câu nói thường được sử dụng để giáo dục trẻ nhưng chính lời nói đó đã làm trẻ tổn thương nghĩ rằng mình vô dụng, là tội đồ, đồ vô dụng, không được quan tâm,…
- Tôi hạn chế sử dụng những lời nói phê bình, chỉ trích, cấm đoán, mạt sát: sao mày ngu quá vậy, đồ vô tích sự, sao em kém vậy, hay con sai rồi, con hư quá,… Sẽ làm tổn thương và ám ảnh tâm trí trẻ đến suốt đời.
- Từ đó tôi đã luôn dạy trẻ bằng tinh thần động viên, khích lệ, đặt bản thân vào vị trí của trẻ để giáo dục trẻ bằng ngôn từ yêu thương.
* Giải pháp 3: Luôn yêu thương, quan tâm và dành những lời nói tích cực đối với trẻ.
- Bản thân tôi luôn coi trẻ như con của mình, luôn mong muốn trẻ được hạnh phúc, không bị bạo hành, được tôn trọng và phát triển khoẻ mạnh. Tôi luôn dành tình yêu thương đặc biệt đến các con, dạy các con những điều hay, lẽ phải. Giúp các con phân biệt được hành vi đúng sai, lời nói chuẩn mực trong sinh hoạt hàng ngày, đâu là từ nên nói, và từ nào không nên nói.
- Luôn chú ý lắng nghe trẻ nói, dành thời gian để quan tâm đến những thay đổi, hành động của trẻ mỗi ngày qua đó dành cho trẻ những lời khen ngợi cho trẻ khi trẻ làm tốt, hay những động viên, góp ý với trẻ khi trẻ làm chưa tốt bằng những lời khích lệ tích cực.
- Không miệt thị, xa lánh bất kì học sinh nào. Tôi tôn trọng sự khác biệt của từng trẻ, coi trẻ là những chủ thể riêng biệt cần được quan tâm, học tập.
- Tôi luôn sử dụng lời khen, tán thưởng, động viên đúng cách như: Em làm tốt lắm, thử làm lại một lần nữa nào, ráng chút nữa nghe em,… sẽ giúp trẻ có cái nhìn tích cực về giá trị bản thân trước mọi người, là động lực để chúng phấn đấu;
- Chỉ bằng những ngôn từ đơn giản đó là động lực để trẻ phấn đấu, phát huy tích cực sức mạnh bản thân trong học tập từ đó trẻ xây dựng niềm tin vào bản thân, nhận ra giá trị bản thân khi luôn được lắng nghe những ngôn từ tích cực.
- Tôi luôn trăn trở, suy nghĩ: vì sao chúng ta thích phê bình người khác hơn là khen ngợi, vì sao thầy cô hay phê bình hơn khen học sinh,… Từ đó tôi tìm tòi và phát hiện ra lý do đơn giản, trong giao tiếp chúng ta thường lấy kiến thức và kinh nghiệm của mình làm chuẩn để đánh giá và nhận xét. Hơn nữa chúng ta coi thường đời sống tâm lí của trẻ, thiếu sự tôn trọng và cho rằng trẻ không cảm nhận bị xúc phạm với những ngôn ngữ thô bạo. Chính sự hiểu biết hời hợt đó đã vô tình giết chết khả năng sáng tạo và lối tư duy tích cực nơi trẻ, biến chúng trở thành một sinh vật thụ động. Chính vì vậy tôi luôn giành cho trẻ những lời khen, khích lệ, động viên trong mọi hoàn cảnh.
- Những câu nói tưởng trừng như đơn giản: hoan hô, chúc mừng, rất sáng tạo, thú vị lắm, rất chu đáo, thật tuyệt vời, rất ấn tượng,… Hay những cái yeah tay khích lệ khi trẻ hoàn thành nhiệm vụ được giao khi tôi sử dụng với trẻ tạo cho trẻ lớp tôi một động lực, một khát khao chinh phục, giúp thiết lập và tái tạo môi trường tích cực cho trẻ khi đến lớp.
- Sự lựa chọn khôn ngoan là dùng liệu pháp sử dụng các từ tích cực để giao tiếp với trẻ. Khi thường xuyên nhận được sự đánh giá tích cực hay lời khen ngợi vì một kết quả tốt đẹp, trẻ sẽ luôn có được hình ảnh tích cực về bản thân, có hứng thú và động lực với nhiệm vụ mà người lớn giao phó.
- Như vậy việc sử dụng lời nói tích cực với trẻ là rất cần thiết để phòng tránh bạo lực ngôn từ cho trẻ mầm non.
* Giải pháp 4: Tuyên truyền, tư vấn cho phụ huynh phòng chống bạo lực ngôn từ trong gia đình.
- Để thực hiện tốt có hiệu quả giải pháp này tôi luôn đổi mới, sáng tạo các hình thức, phương pháp tuyên truyền hay đến các bậc phụ huynh:
+ Tôi lựa chọn thời điểm vàng trong ngày để giao lưu, trò chuyện trực tiếp với các bậc phụ huynh về tình trạng sức khoẻ, tình hình sức khoẻ của học sinh.
+ Bên cạnh những thông tin tuyên truyền phổ biến tôi lồng ghép tuyên truyền về bạo lực ngôn từ và những hậu quả của bạo lực ngôn từ để lại cho trẻ em bằng lời nói, ngôn từ, tranh ảnh: Tôi đã xây dựng thành công góc tuyên truyền với nội dung “Bảo vệ trẻ em” nội dung hướng tới là “Bạo lực ngôn từ”.
- Trong các buổi họp phụ huynh của lớp, tôi luôn giành thời gian để trao đổi, lắng nghe phụ huynh chia sẻ về những thay đổi, tính cách, cách giáo dục và mong muốn của học sinh từ đó mạnh dạn tư vấn cho phụ huynh cách nuôi dạy con hiệu quả.
+ Tôi cung cấp kiến thức về bạo lực ngôn từ cho phụ huynh, giải thích cho phụ huynh hiểu được sức mạnh của lời nói với con trẻ là con dao 2 lưỡi hình thành nên một con người tương lai;
+ Tôi đã hướng dẫn phụ huynh sử dụng ngôn từ chuẩn mực mang tính động viên, khích lệ, hạn chế việc sử dụng từ ngữ tiêu cực khi giáo dục trẻ tại nhà;
- Trong giờ đưa đón trẻ hàng ngày tôi luôn làm gương cho phụ huynh bằng những ngôn từ giàu yêu thương và hành động thân thiết gần gũi với trẻ. Nhắc nhở phụ huynh khi thấy có giấu hiệu bạo lực ngôn từ diễn ra.
- Trên trang zalo, facebook lớp tôi thường xuyên chia sẻ phương pháp phòng tránh bạo lực ngôn từ đến phụ huynh, những thay đổi của con khi được sống trong yêu thương làm mục tiêu để phụ huynh phấn đấu.
* Giải pháp 5: Giáo viên thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử trong trường mầm non
- Tôi luôn đặt cho mình tinh thần “kỷ luật thép” để thực hiện tốt những biện pháp phòng tránh bạo lực ngôn từ. Tôi luôn chấp hành nghiêm túc nội quy nhà trường, quy chế chuyên môn của ngành đề ra.
- Vào tháng 9 đầu năm học tôi ký và quyết tâm thực hiện nghiêm túc thực hiện có hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong trường mầm non:
+ Tôi thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, của công chức viên chức, nhà giáo, người lao động, người học.
+ Luôn thực hiện lối sống lành mạnh, tích cực, quan tâm, chia sẻ đến người khác
+ Bảo vệ giữ gìn cảnh quan trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện.
+ Tôi luôn sử dụng trang phục thanh lịch, lịch sự phù hợp với môi trường và hoạt động giáo dục.
+ Tôi không hút thuốc và sử dụng đồ uống có cồn trong trường
+ Luôn trung thực không gian lận, dối trá, vu khống, gây hiềm khích, quấy rối, ép buộc, đe doạ, bạo lực với người khác.
+ Đặc biệt tuyệt đối không làm tổn hại đến sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, của bản thân, người khác và uy tín của tập thể.
+ Khi giao tiếp, dạy trẻ tôi luôn dùng ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh, mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương, tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe, động viên khích lệ học sinh, tích cực phòng chống bạo lực học đường….
3.2. Đánh giá ưu điểm và hạn chế của biện pháp
Sau khi áp dụng triệt để các biện pháp trên tôi nhận thấy những ưu điểm và hạn chế cần khắc phục như sau:
* Ưu điểm:
- Khi áp dụng giải pháp trẻ lớp tôi thích đến trường, say sưa học bài, gần gũi, sẵn sàng chia sẻ ý kiến và kinh nghiệm bản thân theo ý của trẻ với các bạn trong các hoạt động, hứng thú tham gia vào các hoạt động;
- Trẻ và giáo viên có sự gắn kết, yêu thương sẻ chia;
- Trẻ được tôn trọng và đối xử công bằng;
- Nhà trường giảm thiểu được tối đa các hành vi bạo hành trẻ, đặc biệt các cô đã sử dụng ngôn từ, biểu cảm yêu thương chan chứa dành cho các con khi đến trường;
- Phụ huynh yên tâm gửi gắm con khi đến trường, ủng hộ, phối hợp, tạo điều kiện với giáo viên để có biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tốt nhất.
* Hạn chế:
- Khi đến trường phụ huynh còn dùng ngôn từ chưa chuẩn mực, còn văng tục, chửi bậy trước mặt trẻ tạo cho trẻ thói quen nói bậy, ngôn từ chưa trong sáng.
- Một số phụ huynh đặt sự kì vong vào con cao, còn so sánh con với bạn khác có hành vi chỉ trích trẻ.
3.3. Đánh giá kết quả đạt được sau khi áp dụng biện pháp
Sau khi thực hiện giải pháp bản thân tôi nhận thấy tình trạng lực ngôn từ tại trường mầm non là giảm xuống rõ rệt trẻ được sống trong yêu thương trọn vẹn trong vòng tay của cha mẹ và thầy cô
- Đối với trẻ: Trẻ rất thích đến trường, hứng thú tham gia các hoạt động. Mạnh dạn, tự tin, thoải mái, vui vẻ có sự gắn kết với giáo viên
- Đối với giáo viên: Quan tâm, chăm sóc trẻ chu đáo, an toàn, đối xử công bằng với trẻ, được phụ huynh tín nhiệm và tin tưởng.
- Đối với nhà trường: Giảm thiểu tối đa các hành vi bạo hành trẻ trong nhà trường,
không để phụ huynh phàn nàn, chê trách, có kế hoạch chỉ đạo, phối hợp với giáo viên
và phụ huynh học sinh một cách khoa học.
III. KẾT LUẬN VÀ KHUYỆN NGHỊ
- Khả năng triển khai rộng rãi của biện pháp và hướng phát triển tiếp theo
Từ giải pháp trên tôi thấy khả năng triển khai rộng rãi của giải pháp là rất lớn, hiện nay tình trạng bạo lực học đường trong đó bạo lực ngôn từ như một vấn nạn đang diễn ra ngày một nhiều và diễn ra ở khắp mọi nơi nên giải pháp đưa ra đáp ứng được nhu cầu thực tế của thực trạng hiện nay.
Thực hiện giải pháp sẽ giúp nhà trường đạt được rất nhiều thành tựu: tạo lòng tin của phụ huynh, cộng đồng và xã hội. Trẻ em tin tưởng muốn đến trường đó là một thành công rất lớn giúp công tác phổ cập giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi diễn ra nhanh chóng, chính xác. Giúp trường phát triển, phụ huynh đồng lòng tạo điều kiện ủng hộ cơ sở vật chất để nhà trường phát triển hơn
Khi sống trong môi trường không bạo lực, bản thân thầy cô giáo tự rèn luyện để bản thân không vi phạm đạo đức nhà giáo, không có các vụ bạo hành đáng tiếc xảy ra. Như vậy khả năng nhân rộng của giải pháp là rất lớn và đạt được hiệu quả rất cao.
2. Bài học kinh nghiệm
Sau khi thực hiện xong giải pháp ở lớp 5 tuổi A2 của tôi và trường mầm non Tân Viên tôi thấy việc phòng tránh bạo lực ngôn từ là rất cần thiết trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ
Bản thân tôi luôn coi trẻ là con, dành tình yêu thương tuyệt đối cho các con, học cách kiềm chế bản thân, sống tươi vui mỗi ngày. Với tôi mỗi ngày vui là nhân đôi tình yêu thương hơn nữa dành đến các con
Luôn dành trọn thời gian trên lớp để giáo dục và rèn ngôn từ trong sáng cho trẻ để trẻ phát triển toàn diện
Tham gia với bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt là phụ huynh khi thấy có dấu hiệu ngôn từ thiếu chuẩn mực, không mang tính giáo dục, yêu thương.
Hạn chế tối đa sử dụng ngôn từ, hành động mang tính miệt thị, áp đặt học sinh, để trẻ thể hiện được năng lực bản thân một cách trọn vẹn.
3. Đề xuất, kiến nghị
Sau khi áp dụng giải pháp tôi xin đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau:
3.1. Đối với phòng giáo dục:
- Đề xuất mở các lớp tập huấn phòng tránh bạo lực ngôn từ cho các trường
- Tư vấn cho các nhà trường kiến thức, kỹ năng phòng tránh bạo lực ngôn từ trong trường mầm non.
3.2. Đối với nhà trường:
- Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về bạo lực ngôn từ cho giáo viên
- Bồi dưỡng kỹ năng mềm trong giao tiếp cho giáo viên
- Bổ sung tranh ảnh, đồ dùng đồ chơi tuyên truyền về bạo lực ngôn từ
- Xây dựng trường học văn minh, nói lời hay ý đẹp./.